Những sự cố khi ép cọc bê tông và phương pháp xử lý

Đối với các hạng mục công trình xây dựng như nhà ở người dân hay đến các công trình công cộng, quy mô nhỏ, quy mô lớn thì ép cọc bê tông vẫn là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên trong quá trình thi công nhiều khi vẫn xảy ra những sự cố mà không ai mong muốn, việc quan trọng là chúng ta cần tìm cách khắc phục và giải quyết nhanh chóng những sự cố đó một cách hiệu quả nhất. Để chắc chắn rằng công trình đang thi công vẫn đảm bảo được tiến độ và chất lượng như mục tiêu ban đầu.

Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập tới vấn đề: “Những sự cố khi ép cọc bê tông và phương pháp xử lý”. Bài viết sẽ đem đến những thông tin vô cùng hữu ích cho bạn đọc và quý khách hàng. Cùng theo dõi nhé.

Hạn chế sự cố xảy ra khi thi công công trình là điều các chủ thầu, chủ đầu tư luôn muốn hướng tới. Tuy nhiên điều đó vẫn có thể xảy ra, vậy nên phương án giải quyết, xử lý khi gặp sự cố vẫn là ưu tiên và chúng ta cần lường trước để có thể xử lý ngay khi gặp phải vấn đề này. Một số sự cố trong quá trình ép cọc bê tông mà quý khách hàng nên chú ý:

Khi ép cọc bê tông chưa đến vị trí cần đến nhưng lực ép thì đã đạt

Ép cọc bê tông

Trường hợp này vẫn xảy ra, và ngay khi sự cố này xảy ra các kỹ thuật thi công cần phải ép chậm lại và tăng dần lực ép từ từ, chứ không được tăng nhanh để vượt quá lực pep max. Trường hợp ép chậm lực lại không đủ để cọc đi xuống thì cần phải liên hệ ngay với đội ngũ kỹ thuật có chuyên môn tìm cách giải quyết tại vị trí đang thi công. Còn nếu nguyên nhân do cấu tạo đất ở khu vực đó bị nén chặt quá, không thể đi xuống được thì phải bắt buộc tạm ngưng để có thời gian cho đất giãn ra xong mới có thể tiếp tục.

Một trường hợp nữa là gặp vật cản thì phương án xử lý đó là nên dùng khoan để phá vật cản, khoan dẫn cọc hoặc khoan cọc nhồi. Sau khi phá xong vật cản thì chúng ta mới có thể tiếp tục thi công ép cọc.

Khi ép cọc bê tông có ảnh hưởng đến các công trình hộ gần kề

Trường hợp này thì có khả năng xảy ra nhiều do nếu chúng ta thi công ở khu vực dân cư như xây nhà ở hay xây dựng công trình công cộng với quy mô lớn, việc ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Nhưng cái gì cũng có cách giải quyết, trường hợp này thường đến từ 2 nguyên nhân cơ bản là nền móng của nhà liền kề yếu do xây dựng không đạt chất lượng hoặc thời gian đã lâu. Khi ép cọc bê tông làm giảm sức nén của đất nên khả năng gây nứt, phồng nền nhà. Cách xử lý tốt nhất là chúng ta nên sử dụng dịch vụ ép cừ thép để cố định nền để cố định nền đất tại khu vực thi công, như vậy việc sạt nở nhà liền kề sẽ giảm thiểu được rất nhiều.

Khi ép độ sâu đạt chuẩn thiết kế mà áp lực đầu cọc vẫn chưa đạt yêu cầu

Trường hợp này ngược lại với sự cố 1, ép độ sâu đã đạt nhưng áp lực cọc lại chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân là do đầu cọc chưa ép được đến lớp cát hạt trung hoặc gặp phải nền đất thi công yếu. Xử lý bằng cách là ngừng ép và thông báo tình hình với bên thiết kế để họ kiểm tra, xác định nguyên nhân cụ thể sau đó mới đưa phương án xử lý. Cách giải quyết thường được sử dụng đó là ép nối thêm cọc đến khi đạt áp lực như bản thiết kế.

Nếu địa chất có các lớp cát khá dày thì phương pháp ép cọc bình thường không khả thi

Với một số khu vực có địa chất dày, ép cọc theo phương pháp thông thường không xuống, cọc không xuyên qua, khi đó khi ta càng cố ép thì với lớp cát dày quá sức chịu tải đất tăng tỷ lệ thuận với lực ép. Do đó cách xử lý là dừng lại, cho lớp cát trở lại trạng thái bình thường rồi tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên điều này cũng chỉ khả thi khi lớp cát không quá dày.

Gặp phải trường hợp cát dày thì có thể đổi sang phương pháp khoan dẫn cọc. Cụ thể, khoan một lỗ có đường kính nhỏ bằng khoảng 1/10 cạnh cọc, chiều sâu sẽ phụ thuộc vào địa chất, cho dung dịch bentonite. Sau đó tiến hành ép cọc và nối thêm cọc cho đến khi đạt áp lực thiết kế.